An toàn thực phẩm là gì?
Trước hết, điều quan trọng là cần có một khái niệm rõ ràng về an toàn thực phẩm. An toàn thực phẩm có thể được định nghĩa là không có sự hiện diện hoặc có nhưng ở mức độ an toàn và chấp nhận được của các rủi ro trong thức ăn có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Những rủi ro này có thể là vật lý, hóa học hoặc sinh học và hầu hết chúng không thể nhìn thấy được bằng mắt thường, điều này làm cho nguy cơ vấy nhiễm cao hơn.
An toàn thực phẩm có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi heo như thế nào?
Trong chăn nuôi heo hiện đại, tất cả động vật đều được nuôi trong các cơ sở chăn nuôi công nghiệp và chúng phụ thuộc vào nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi cân bằng hoàn chỉnh. Chất lượng và độ an toàn của thức ăn là rất quan trọng đối với sức khỏe và phúc lợi của động vật cũng như năng suất tối đa của heo.
Khi nói đến an toàn trong thức ăn chăn nuôi cho heo, rủi ro sinh học chính là các bệnh có thể lây truyền/chuyên chở qua chính thức ăn, chẳng hạn như bệnh nhiễm khuẩn salmonella, bệnh tiêu chảy ở heo (PEDv), senacavirus (SV) và PRRS. Đây là những bệnh truyền nhiễm thường gặp và được nghiên cứu rộng rãi vì nó có tỷ lệ chết và/hoặc tỷ lệ mắc cao có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tuy nhiên, người ta ít quan tâm đến tác động của việc cung cấp cho heo thức ăn có lượng vi sinh vật cao, chẳng hạn như vi khuẩn kỵ khí ưa nhiệt trung tính, vi khuẩn đường ruột hoặc sự hiện diện của E.coli. Điều này thường chỉ được xem là các dấu hiệu về tình trạng vệ sinh kém tại nhà máy (Bảng 1).
Bảng 1. Mức độ chấp nhận được của vi sinh vật trong nguyên liệu thô dùng làm thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ động vật.
Mức độ chấp nhận được của vi sinh vật trong nguyên liệu thô dùng làm thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ động vật. |
|
---|---|
Chỉ số | Giá trị tối ưu |
Số lượng vi khuẩn hiếu khí | <106 ufc/g |
Số lượng Coliform | <103 ufc/g |
E. coli | Không có |
Salmonella | Không có |
Nguồn: Fedna 2002
Mặc dù thức ăn chăn nuôi có mức độ vấy nhiễm vi sinh vật cao sẽ không gây nhiễm trùng ngay lập tức nhưng chúng khiến heo rơi vào trạng thái stress và nếu duy trì trong thời gian dài sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch và khiến heo mắc các bệnh khác, ngoài ra còn ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất của heo. Mặc dù thiệt hại kinh tế không rõ ràng như trong trường hợp mắc PRRS và PED, nhưng nó vẫn gây tổn thất rất lớn và nghiêm trọng khi trại không đạt được mức tối đa năng suất tiềm năng.
Độc tố nấm mốc có trong thức ăn chăn nuôi là một điểm đáng quan tâm khác về an toàn thức ăn chăn nuôi (Bảng 2), vì chúng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe đàn heo với các biểu hiện lâm sàng hoặc ảnh hưởng đến năng suất của heo trong các ca cận lâm sàng, tùy thuộc vào mức độ vấy nhiễm hiện diện. Ngoài ra, một số độc tố nấm mốc khi được heo ăn vào có khả năng tích tụ trong các mô và cơ quan khác nhau, cũng gây rủi ro cho người tiêu dùng vì chúng không thể bị bất hoạt bằng phương pháp nấu chín.
Bảng 2. Giới hạn độc tố nấm mốc trong khẩu phần ăn của heo do Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường Tây Ban Nha quy định.
Độc tố nấm mốc | Giới hạn (mg/kg) | Loại heo (Giai đoạn) |
---|---|---|
Aflatoxin B1 | 0.05 | Heo con |
Aflatoxin B1 | 0.02 | Tất cả các loại heo khác |
Ochratoxin A | 0.05 | Tất cả các loại heo |
Vomitoxin | 0.90 | Tất cả các loại heo |
Zearalenone | 0.10 | Heo con; hậu bị |
Zearalenone | 0.25 | Tất cả các loại heo khác |
Fumonisin | 5.00 | Tất cả các loại heo |
Nguồn: Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường - Chính phủ Tây Ban Nha, 2015.
Trước đây, nhiều tác động tiêu cực của lượng vi sinh vật và độc tố nấm mốc cao đã được ẩn đi bằng việc sử dụng thuốc kháng sinh và phụ gia thức ăn. Chẳng hạn như kẽm oxit, hiện đã bị cấm sử dụng ở Liên minh Châu Âu và đến một thời điểm nào đó trong tương lai kẽm oxit cũng sẽ bị cấm ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Do đó, việc đảm bảo an toàn thức ăn chăn nuôi không chỉ là một khái niệm mà còn là một công cụ để giảm thiểu stress miễn dịch và cải thiện sức khỏe, phúc lợi và năng suất của heo.
Các ví dụ khác về rủi ro hóa học được tìm thấy trong thức ăn cho heo có thể là việc sử dụng chất béo và dầu kém chất lượng cũng như hàm lượng kim loại nặng cao (Bảng 3) từ các phụ phẩm công nghiệp và dioxin chủ yếu hiện diện trong nguyên liệu thô có nguồn gốc từ động vật. Do đó, heo phải đối mặt với tình trạng stress oxy hóa khiến chúng dễ mắc bệnh hơn, ảnh hưởng đến năng suất và thậm chí làm tăng nguy cơ tồn dư trong thịt.
Bảng 3: Giới hạn kim loại nặng cho phép có trong nguyên liệu thô dùng trong công thức thức ăn chăn nuôi, theo quy định của Châu Âu.
Kim loại nặng | Giới hạn (mg/kg) |
---|---|
Thạch tín (Arsenic) | 2.00 |
Cadmium | 1.00 |
Chì | 10.00 |
Nitrit | 15.00 |
Nguồn: Quy định 1275/2013 của EU
Sự an toàn trong thức ăn chăn nuôi cho heo có thể ảnh hưởng đến chuỗi thực phẩm như thế nào?
Nếu xem xét tất cả các khía cạnh của chuỗi sản xuất thực phẩm và hiểu rằng nó là một quá trình liên tục từ sản xuất nguyên liệu thô đến sản xuất thức ăn chăn nuôi đến việc bán hoặc cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng cuối cùng, thì ta sẽ thấy mỗi yếu tố đều có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến an toàn thực phẩm (Hình 1).
Sự an toàn và chất lượng thức ăn chăn nuôi có thể được coi là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an toàn thực phẩm cho con người, do nó có tác động quan trọng và đáng kể đến chuỗi thực phẩm (FAO), vì những gì động vật ăn vào có thể tích lũy trong các cơ quan và mô khác nhau, chẳng hạn như trường hợp tồn dư của độc tố nấm mốc, dioxin và kim loại nặng trong thịt.
Với tư cách là nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, sự an toàn của thức ăn chăn nuôi cho heo cần phải được đảm bảo và bảo vệ, không chỉ để đảm bảo sức khỏe và phúc lợi của vật nuôi mà còn để bảo vệ tất cả những người tiêu thụ sản phẩm thịt heo.
Kết luận
Ngành chăn nuôi heo đang phải đối mặt với nhiều thách thức ngày càng lớn. Những thách thức này bao gồm sự xuất hiện của dịch bệnh mới, việc sử dụng thuốc kháng sinh một cách hợp lý, cấm một số chất phụ gia, cũng như thay đổi hành vi và nhu cầu của người tiêu dùng trong thị trường toàn cầu hóa. Do đó, ngành công nghiệp thịt heo cần tiếp tục làm việc tích cực để đảm bảo các chỉ số an toàn thức ăn chăn nuôi, nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường.